TTO - Chiếc thẻ vàng mà EU rút ra cho hải sản Việt Nam buộc các doanh nghiệp phải tự cứu mình nếu không đối diện với mất thị trường không chỉ châu Âu mà còn cả Mỹ.


Bị thẻ vàng, doanh nghiệp hải sản tìm cách tự cứu mình - Ảnh 1.
Nếu bị áp "thẻ đỏ", xuất khẩu khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và đời sống ngư dân. Trong ảnh: ngư dân đưa hải sản đánh bắt về cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Coimex là một công ty thủy sản tại Vũng Tàu mà thị trường EU chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu. Hiện mỗi năm Coimex xuất khẩu sang EU khoảng 10 triệu USD và 100% nguyên liệu đầu vào đều lấy ở trong nước.
 
Sau khi EU "rút thẻ vàng", xuất khẩu của công ty sang EU chưa có nhiều biến động nhưng ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT công ty, rất lo lắng vì nếu tình hình không cải thiện, chuyện bị "rút thẻ đỏ" là tất yếu. 

"Lo lắm. Thẻ đỏ tức là hải sản Việt Nam không bán cho EU được nữa. Hàng trăm công nhân sẽ đi về đâu?" - ông Kháng nói.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Baseafood, cho biết trước mắt doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách làm kỹ hơn các thủ tục giấy tờ truy xuất nguồn gốc vì nếu làm sai mà EU phát hiện, hàng bị trả lại ngay. Hiện Baseafood xuất khẩu sang châu Âu 10 triệu USD, chiếm 30% lượng hàng xuất khẩu.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifishco), việc EU "rút thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam là nguy cơ rất lớn với ngành thủy sản. Nếu trong 6 tháng không cải thiện, bị "rút thẻ đỏ", một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản cũng có thể xem xét phạt đối với thủy sản VN.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam(VASEP), cho hay cộng đồng doanh nghiệp nhận thức rất rõ nguy cơ và đã tích cực cùng cơ quan chức năng Việt Nam tìm cách tháo gỡ "thẻ vàng EU" bằng cách kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định hay khai thác bằng ngư cụ bị cấm.
 
"Chúng tôi nói không với những loại hải sản quý hiếm, sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ" - bà Sắc cho hay.

Đến nay đã có gần 80 đơn vị đăng ký tham gia, trong đó có cả những doanh nghiệp nhỏ, xuất khẩu đi châu Âu chưa nhiều. VASEP cũng đã thành lập các chuyên trang về quy định của EU bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để truyền tải những thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp cùng với Nhà nước thực hiện các nỗ lực tránh "thẻ đỏ".

Giao trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương

Theo ông Lê Văn Kháng, quy định của EU là cách làm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của toàn cầu. Chấm dứt việc ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước bạn để đánh trộm cá hoàn toàn có thể làm được nếu chính quyền, các ngành chức năng triển khai đồng bộ, mạnh tay.

Theo ông Kháng, nguyên nhân để ngành hải sản bị "rút thẻ vàng" là do quản lý yếu kém, thậm chí biết nhưng không quản lý vì trước khi "rút thẻ vàng", EU đã cảnh báo. Vì vậy, để giải quyết cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương.

Ông Trần Văn Dũng đề xuất cần phải liên thông, liên kết giữa các địa phương, các ngành chức năng trong việc cấp giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc. Hiện thủ tục này còn chậm, kéo dài đến hơn 10 ngày.

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký VASEP - cho hay vấn đề cơ sở dữ liệu mà châu Âu đã nhắc và khuyến nghị là rất quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn công tác quản lý tàu thuyền, chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc được hoàn thiện hơn để có thể lưu thông không chỉ 28 tỉnh thành ven biển với nhau mà còn liên thông với dữ liệu trung ương.

"Nếu các địa phương đầu tư thích đáng công tác chứng nhận và xác nhận nguồn gốc hải sản, doanh nghiệp đỡ vất vả hơn nhiều" - ông Nam nói.

Thành lập chuỗi khai thác

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm 2017 tất cả nông lâm, thủy hải sản tiêu thụ tại các chợ buộc phải có nguồn gốc, xuất xứ.
Ghi nhận tại cảng cá Thọ Quang, hằng ngày đều có lực lượng do ban quản lý cảng cá và cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đà Nẵng kiểm tra việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết sắp tới ngành sẽ triển khai đánh giá tàu công suất 90 CV trở lên để chứng nhận đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngư dân phải báo cáo qua sổ nhật ký khai thác. Tất cả tàu đánh bắt xa bờ phải có thiết bị giám sát hành trình...

Trong khi đó, từ năm 2016 đến nay tỉnh Khánh Hòa đã thành lập hai chuỗi khai thác, tiêu thụ cá ngừ và hải sản khai thác xa bờ. 

Ông Võ Khắc Én, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết mô hình này được đánh giá thành công nhất trong 28 tỉnh, thành ven biển.

Các chủ tàu cá tham gia chuỗi sẽ ký thỏa thuận với doanh nghiệp thu mua, đảm bảo tiêu thụ hải sản ổn định với giá có lợi cho ngư dân. 

Ngư dân muốn được hưởng các ưu đãi phải đảm bảo kỹ thuật khai thác, chấp hành quy định của VN và quốc tế.
Bà Cao Thị Kim Lan (tổng giám đốc Bidifishco):
Cơ quan nhà nước phải giúp phân biệt

Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước nhưng nhiều khi không thể làm được. Nói thật là doanh nghiệp không thể phân biệt được đâu là hàng đánh bắt vùng biển nước ngoài hoặc đánh bắt bất hợp pháp. Chúng tôi mong cơ quan chức năng giám sát chính xác, có thông báo thường xuyên về những tàu vi phạm vùng biển nước ngoài trong chuyến đi biển nào thì mới có thể tẩy chay sản phẩm của họ được.

Nguồn : tuoitre.vn

0909250794